Phương pháp đầm rung sâu bao gồm hai dạng, (1) đầm rung thay thế và (2) đầm rung làm chặt. Trong đó, đầm rung thay thế có hai hình thức thi công là (1a) nhồi vật liệu từ bề mặt và (1b) nhồi vật liệu từ đáy.
Hình 1: Các hình thức thi công đầm rung sâu
Công nghệ thi công cọc đá bằng phương pháp đầm rung sâu nhồi dưới đáy (1b), về nguyên tắc cơ bản, là sử dụng thiết bị đầm rung tạo lỗ tại vị trí đất cần gia cố, đá được cho xuống đáy của lỗ này thông qua ống dẫn. Nhờ lực rung động của máy đầm mà từng đoạn cọc đá được đầm chặt, đường kính cọc lớn hơn đường kính của lỗ tạo ra ban đầu. Quá trình này lặp lại đến khi cọc đá được hình thành theo thiết kế.
Cọc đá cùng với đất nền xung quanh hình thành một khối nền có tính nén lún giảm và sức chống cắt tăng; giảm nguy cơ hóa lỏng nền của cát; rút ngắn thời gian cố kết của nền sét. Thêm vào đó, nếu đất nền là đất rời thì đất nền giữa các cọc đá cũng được đầm chặt thêm.
Tùy theo yêu cầu thiết kế, Đường kính của cọc đá thường từ 0,7m đến 1,2m, khoảng cách giữa các cọc từ 1,5m đến 3,0m [1]. Chiều sâu của cọc đá tùy thuộc vào thiết kế và đất nền hiện hữu, thiết bị hiện có của FECON có thể thi công cọc đá đến chiều sâu 20m.
Công nghệ cọc đá đầm rung sâu có thể xử lý cho cho hầu hết các loại đất nền bất lợi như đất sét yếu hay đất cát rời. Nó áp dụng phù hợp cho các dạng công diện rộng như nền đường, bồn bể chứa, kho bãi nhằm tăng tính ổn định và kiểm soát độ lún [1].
Hình 2: Lưu đồ thi công
Hình 3: Sơ họa quá trình thi công cọc đá bằng phương pháp đầm rung sâu nhồi dưới đáy
[1] Barksdale, R. D. and Bachus, R. C. (1983). Design and Construction of Stone Columns, Volume I. US Department of Transportation, Federal Highway Administration (FHWA), Publication No.: FHWA-RD-83-026.
[2] Trụ đá đầm rung sâu – Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu, TCCS 66:2015/IBST.