Công trình ngầm

Thi công neo đất

GIỚI THIỆU CHUNG

Neo đất là hệ thống được thiết kế để tạo ra sự ổn định và chống lại chuyển vị quá mức của kết cấu chắn giữ bằng cách tạo ra ứng suất trước vào trong đất đá. Nguyên lý cơ bản trong thiết kế hệ thống neo đất là tạo ra 02 điểm liên kết, một điểm liên kết với kết cấu chắn giữ đất, điểm kia neo chặt vào trong đất đá để truyển lực kéo thông qua ma sát (hoặc độ dính bám) tại các mặt tiếp xúc giữa neo và đất đá.  
Neo trong đất đã được sử dụng phổ biến tạm thời trong các công trình có hố đào sâu, và ổn định vĩnh cửu các taluy mái dốc. Hệ thống neo trong đất đã được sử dụng cách đây hơn 50 năm và chứng minh được chất lượng và tính ưu việt của nó so với các biện pháp khác trong xây dựng các công trình trong và ngoài nước. Ở Việt Nam, vào năm 1997, dự án Tòa tháp Vietcombank tại 184 Trần Quang Khải, Hà Nội là công trình đầu tiên áp dụng thành công công nghệ neo trong đất cho tường vây dày 0.8m do công ty Bachy Soletanche Vietnam thực hiện. Tiếp theo đó là rất nhiều dự án lớn sử dụng công nghệ này, điển hình như: Dự án Trung tâm điều hành và Thông tin viễn thông Điện lực Việt Nam có diện tích 14000m2 với 03 tầng hầm tại số 11 Cửa Bắc, Hà Nội, sử dụng tường vây dày 0.8m, hoàn thành vào năm 2008; dự án Kangnam Landmark Tower do Samwoo Geotech thi công vào năm 2008, sử dụng tường vây dày 0.8m; Cọc đất xi măng cũng đã được xem xét sử dụng làm kết cấu chắn giữ kết hợp neo đất cho 02 tầng hầm của chung cư cao tầng Thương Mại – Dịch vụ LUGIACO tại số 7 đường Lữ Gia, P.15, Q.11, thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Lotte Mall Hà Nội sử dụng cừ Larsen IV kết hợp 3-4 hàng neo đất.

ỨNG DỤNG CỦA NEO ĐẤT

Ứng dụng của neo đất bao gồm

  • Neo tường chắn đất khi thi công các hố đào ở các công trường.
  • Tăng độ ổn định của các taluy mái dốc công trình giao thông.
  • Ổn định mái dốc, công trình thủy điện thủy lợi.
  • Chống lại áp lực đẩy nổi của nước ngầm lên kết cấu.
  • Ổn định và tăng khả năng làm việc của hầm.
  • Ổn định kết cấu chống lại động đất.
  • Ổn định kết cấu dạng tháp như tháp thuyền điện bằng kết cấu thép.
  • Ổn định móng trụ cầu, cầu dây văng.

ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA NEO ĐẤT

Một số ưu, nhược điểm của neo trong đất:

Ưu điểm: 

  • Mặt bằng thi công hầm rộng, có thể bố trí nhiều tiện ích công trường linh hoạt
  • Tiến độ thi công nhanh, có thể thi công song song với quá trình đào đất
  • Chi phí có thể rẻ hơn so với hệ văng chống tạ
Nhược điểm:
  • Chiếm dụng phần đất lân cận dự án
  • Công nghệ thi công và thiết kế phức tạp, yêu cầu nhà thầu thi công có kinh nghiệm

QUY TRÌNH THI CÔNG

Biện pháp thi công neo đất bao gồm việc lựa chọn máy thi công, phương pháp khoan, lắp đặt thanh neo, phun vữa,… Mỗi một công tác thi công neo đất và thời gian thực hiện đầu có thể ảnh hưởng đến sức chịu tải của neo. Do vậy, biện pháp thi công neo đất cần được đề ra để đảm bảo các giả thiết mà thiết kế neo đã đưa ra trước đó.

Hình 1: Quy trình thi công neo đất


Hình 2: Minh họa quy trình thi công neo đất tạm (neo có thể rút được)

VIDEO MÔ PHỎNG CÔNG NGHỆ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]     Nguyễn Bá Kế (2010). Thiết Kế Và Thi Công Hố Móng Sâu, Nhà xuất bản Xây dựng

[2]     TCVN 8870 (2011). Thi công và nghiệm thu neo trong đất dùng trong công trình giao thông vận tải, Tiêu chuẩn Việt Nam.