Phương pháp thi công top-down là giải pháp xây dựng song song phần ngầm (phía dưới cốt 0) và phần thân (phía trên cốt 0) của công trình cao tầng, giúp tối ưu tiến độ và sử dụng hiệu quả mặt bằng. Trong phương pháp này, hệ tường vây, dầm sàn và hệ cột thép tạm (kingpost) đóng vai trò thiết yếu trong việc chịu lực và ổn định kết cấu. Quá trình thi công bắt đầu với việc xây dựng tường vây (về sau trở thành lớp bao che cho tầng hầm) cùng với các cọc khoan nhồi và hệ cột thép tạm. Sau đó, trong khi các tầng ngầm và móng được thi công từ trên xuống (tương tự như phương pháp semi top-down), một số tầng của phần thân phía trên cũng được xây dựng đồng thời, đảm bảo sự liền mạch và rút ngắn đáng kể thời gian thi công.
Phương pháp thi công top-down có những ưu điểm nổi bật giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề về mặt bằng và tiến độ thi công, đặc biệt phù hợp với các công trình đô thị cao tầng và có diện tích hẹp. Phương pháp này không yêu cầu diện tích đào móng lớn và tiết kiệm chi phí cho việc xây dựng tường chắn đất độc lập. Đồng thời, tiến độ thi công được đẩy nhanh do có thể thi công phần trên trong khi vẫn thực hiện các công đoạn móng và tầng hầm. Không cần sử dụng hệ thống chống tạm (bracing system) để chống đỡ tường tầng hầm, giúp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu phức tạp do các hệ chống tạm thường vướng không gian và tốn kém. Kết cấu tường và dầm sàn được sử dụng làm hệ chắn giữ đất, mang lại độ ổn định cao cho vách đất trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, nhờ thi công ngay trên “mặt đất,” phương pháp này giúp giảm nhu cầu về hệ thống giáo chống và cốp pha cho dầm sàn. Với các khu vực đô thị đông đúc, việc thi công mở (open cut) thường làm phát sinh rủi ro khi phải hạ mực nước ngầm, dễ gây hiện tượng trượt mái đào hoặc lún nứt công trình lân cận, nhưng với phương án top-down, vấn đề này được hạn chế đáng kể. Ngoài ra, khi thi công các tầng hầm đã có tầng trệt, phương pháp này giảm thiểu đáng kể sự ảnh hưởng của thời tiết đến tiến độ.
Tuy nhiên, top-down cũng tồn tại một số nhược điểm, chủ yếu liên quan đến tính phức tạp trong kết cấu và yêu cầu cao về kỹ thuật. Hệ cột của tầng hầm phải đảm bảo khả năng chịu tải lớn, đồng thời liên kết giữa dầm sàn và cột tường đòi hỏi độ chính xác cao, gây khó khăn trong thi công. Phương pháp này yêu cầu đội ngũ thi công có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Việc thi công trong không gian kín của tầng hầm hạn chế khả năng cơ giới hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, đòi hỏi phải lắp đặt hệ thống thông gió và chiếu sáng nhân tạo để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và hiệu quả.
Với những ưu điểm vượt trội, công nghệ top-down được áp dụng hiệu quả cho các dự án có chiều sâu tầng hầm lớn (> 3 hầm).
Quy trình thi công top-down với dự án 3 hầm được thể hiện trên Hình 1.
Hình 1. Quy trình thi công top-down với dự án 3 hầm