Underground Construction

Top-down/Semi top-down construction

GIỚI THIỆU CHUNG

Công nghệ Topdown /Semi-topdown trong thi công tầng hầm đã và đang được áp dụng rất phổ biến tại Việt Nam. Theo như công nghệ này, phần tường tầng hầm sẽ được thi công theo phương pháp tường trong đất (D-wall). Tiếp theo đó một số phân đoạn kết cấu ngầm sẽ được thi công từ tầng 1 hoặc tầng hầm B1 xuống các tầng tiếp theo, sau đó đến móng, một số tầng nổi cũng có thể được thi công song song khi thi công phần ngầm (Topdown). Các tầng kết cấu này sẽ được chống đỡ bằng hệ cột thép hình tạm (kingpost) được thi công hạ vào đỉnh của các cọc khoan nhồi. Việc đào đất cũng như vận chuyển vật tư thi công lên, xuống hầm sẽ được thực hiện qua các lỗ mở thi công. Tùy thuộc vào công nghệ Topdown hay Semi-topdown mà người ta bố trí lỗ mở cho phù hợp, thông thường lỗ mở cho công nghệ Semi-topdown sẽ lớp hơn và bố trí ở giữa công trình (khu vực cao tầng), lỗ mở cho công nghệ Topdown thường bé hơn và thường được bố trí ở bên cạnh khu vực cao tầng. Các lỗ mở này sẽ được thi công sau khi kết thúc hạng mục móng và sàn hầm cuối cùng, và được thi công theo thứ tự từ dưới lên.

ƯU ĐIỂM CỦA CÔNG NGHỆ

  • An toàn rất cao cho các công trình lân cận, do tường chắn đất được giữ bằng hệ dầm sàn BTCT, đặc biệt hiệu quả với các dự án có chiều sâu tầng hầm lớn (> 3 hầm).
  • Tiến độ thi công được rút ngắn, đặc biệt có thể bàn giao sớm cos 0.00 để bán hàng đối với các dự án thương mại.
  • Phù hợp với các dự án có mặt bằng chật hẹp, có thể tận dụng sàn kết cấu để tập kết vật tư trong quá trình thi công phần hầm.

NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÔNG NGHỆ

  • Thi công khó khăn do các lối tiếp cận vật tư bị hạn chế dẫn đến khó kiểm soát chất lượng thi công.
  • Biện pháp về thông gió, chiếu sáng tạm trong quá trình thi công hầm phức tạp.
  • Tường tầng hầm được thi công theo phương pháp tường trong đất nên chất lượng khó kiểm soát, rủi ro khi có tấm tường bị lỗi. Chi phí cho công tác sửa chữa cũng như chống thấm tường vây tốn kém.

QUY TRÌNH THI CÔNG

Người ta sử dụng công nghệ Topdown để đẩy nhanh thời điểm thi công phần thân do đó rút ngắn tổng tiến độ thi công của dự án. Tuy nhiên việc thi công các tầng kết cấu bên trên yêu cầu phải có một hệ thống cột thép chống tạm vững chắc, có thể chống đỡ tải trọng của các tầng kết cấu cũng như các hoạt tải trong quá trình thi công. Do đó trong công nghệ thi công Topdown, người ta thường tránh thi công phần thân quá cao vì sẽ làm tăng chi phí cho phần cột chống tạm làm giảm tính hiệu quả của công nghệ, thông thường từ 5 đến 7 tầng nổi đặc biệt có thể lên đến 9 tầng nổi. Quy trình thi công Topdown / Semi – Topdown với dự án 3 hầm, 5 nổi được thể hiện trên Hình 1. 



                                                        Hình 1. Quy trình thi công Topdown / Semi – Topdown với dự án 3 hầm, 5 nổi


                                                                Hình 2. Mặt cắt thi công Topdown điển hình



                                                                            Hình 3. Mặt cắt thi công Semi - Topdown



                                                                                   Hình 4. Ví dụ lỗ mở thi công Topdown


                                                                            Hình 5. Ví dụ về lỗ mở thi công Semi-Topdown

REFERENCES

[1]. Đỗ Đình Đức chủ biên (2004), Kỹ thuật thi công 1, NXB. Xây dựng, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Bá Kế (2002), Thiết kế và thi công hố móng sâu, NXB. Xây dựng, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Tráng (8/2008), Những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng tầng hầm nhà cao tầng ở Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
[4]. Nguyễn Dư Tiến, Trần Đức Cường (2006), Các giải pháp thiết kế và thi công tầng hầm nhà cao tầng, Tạp chí Tư vấn Thiết kế, số 3.
[5]. Phạm Khánh Đức (5/2004), Thi công tường chắn tạm cho tầng hầm nhà cao tầng bằng cừ larsen trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sỹ.
[6]. Vũ Mạnh Hùng, Nghiên cứu tính toán lỗ mở sàn trong thi công tầng hầm nhà cao tầng theo phương pháp thi công từ trên xuống, Luận văn Thạc sỹ.
[7]. Kết cấu thép, Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 5575-2012.
[8]. Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 5574-2012.